Xóm mắc dịch – Trần Hoàng Vy

Xóm… mắc dịch, mà không phải mắc dịch, mà là mắc dịch. mắc dịch, không phải là xóm ấy… xấu máu, như người ta thường nói những anh chàng hay… be he là “mắc dịch”! mà xóm ấy, thuần hậu, chất phác, lại hay làm từ thiện, và vì từ thiện, nhất là trong lúc “cơn đại dịch” thế kỷ, Covid-19, khiến nhiều người ở quê tôi, vướng vào “con độc trùng” có gốc gác “ Wuhan”, và lây nhiễm cho… cả xóm!

Ðó là cái xóm nhỏ, nằm cạnh con sông Vàm hiền hòa thơ mộng, lại cặp sát lộ lớn, từ tỉnh T. đi về Sài Gòn. Xóm chừng hai chục nóc gia, một phần tư xóm, có nghĩa là có 5 gia đình, có dây mơ, rễ má là anh em, bà con, sui gia, còn lại là những người từ xa đến, sinh cơ, lập nghiệp mà thành láng giềng nhau. Phần lớn, người trong xóm đều rất thân thiết, gọi nhau bằng “anh Hai, chị Ba” hay gọi bằng tên của con cái, chứ ít khi nào gọi nhau bằng “tên cúng cơm”. Gần sông, nhưng chẳng ai, làm nghề “hạ bạc” tức liên quan đến đánh bắt cá, hay ghe thuyền, mà làm nông, làm vườn, trồng cao su, thầy, cô giáo và buôn bán.

Gia đình bà Năm, là gia đình có tiệm cơm, hủ tiếu, ven quốc lộ, ở ngoài rìa xóm. Kế bên, là chú Bảy, bán tạp hóa, kiêm luôn “siêu thị chợ chiều” cho cả xóm. Ở cạnh bên nữa, là anh Ba, làm nghề sửa xe Hon da, kiêm vá các loại bánh xe. Dịch vào phía bên trong, là nhà thầy giáo Tú, cách mấy căn là nhà của cô giáo Lan, cuối xóm là nhà bác Chín, với khu vườn lớn cặp bờ sông. Lúc dịch bệnh xảy ra, Sài Gòn đang là tâm điểm của “chống dịch như chống giặc”, “mỗi gia đình là một lô cốt chống… dịch”, chợ búa, trường học, xí nghiệp… đóng cửa, nhiều em công nhân, sinh viên, và cả những người làm thuê, làm mướn, thất nghiệp, phải chạy xe máy, thậm chí có người đạp xe về… quê nhà tránh dịch, và cả tránh đói.

Bảo Huân

Tiệm sửa xe của anh Ba, là nơi đầu tiên, đặt cái bàn nhỏ trước nhà, đề bảng “Xăng, nước… O đồng”, với những chai xăng, chai nước lọc xếp ngay ngắn trên bàn, bà con chạy ngang có thể lấy sử dụng mà không phải trả đồng nào. Anh Ba còn sẵn sàng, bơm, vá bánh xe và sửa xe “Free” cho những người trên đường về quê tránh dịch. Việc làm của gia đình anh Ba, được cả xóm… họp tuyên dương, và rỉ tai nhau tìm cách hỗ trợ. Gia đình bà Năm, tiệm cơm, hủ tiếu kế bên, cũng “cạnh tranh” trương bảng “Cơm miễn phí” vào mỗi bữa trưa. “Siêu thị chợ chiều” của chú Bảy, cũng “phát không” rau, củ cho người qua lại cần dùng trong mùa dịch. Bác Chín ở cuối xóm, cũng gửi đến hàng bao sả, củ gừng, lá bưởi, chanh… giúp các gia đình có người “mắc dịch”, lấy làm “ nồi xông” diệt con virus!


“Dù xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phước cứu cho một người”, đó là đạo lý của dân tộc, được người trong xóm, phát huy và giúp đỡ nhau. Anh Năm Tẹn, anh Hai Hộ (gọi tên theo con, phân biệt với bà Năm, bác Hai…) không có của thì giúp công. Ra quán bà Năm, chú Bảy, đứng phát “hàng cứu trợ” cho người qua lại, do “hên xui” hay vì thể tạng yếu mà bắt đầu “nhiễm độc trùng”, khúc khắc ho, rồi lên cơn ớn lạnh, nóng sốt. Cả gia đình, lập tức theo lệnh, “cách ly” tại gia. “Giăng dây, mắc bảng nhà… mắc dịch” ở phía trước.

Người trong xóm lại… len lén, đặt trước cổng nhà, lúc mớ lá xông, khi thì chục trứng gà, quả bầu, quả bí. Cô Lan có người thân ở… “hải ngoại”, điện thoại xin cả lố thuốc Tylenol, Vitamin C. D, dầu gió xanh, và dành tặng những gia đình bị FO, F1 trong xóm.

Lòng vòng, quay qua, quay lại, tới nhà bác Chín, rồi bà Năm, chú Bảy… cũng “dính chấu”, dù chẳng đi đâu, có người chép miệng, ở một chỗ nhưng do tiếp xúc với người qua lại nên “lây nhiễm”. Cả xóm có lúc buồn hiu hắt. Gặp nhau, nói chuyện với nhau chỉ qua… Chat, Mail trên điện thoại! Nhưng không hiểu sao, hễ nhà nào vướng bệnh, sáng sáng đều thấy trước cổng nhà vài bó rau, gói thuốc, có khi cả thịt cá.

Qua một vài “con trăng”, xoay tua cái vụ “mắc dịch”, ơn trời là cả xóm đều phục hồi, bình an, mạnh khỏe. Không có ai phải đi… “bán muối” bất đắc dĩ. Chừng nhắc lại, ai cũng cười to: Cả xóm đều… mắc dịch!

THV

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.