“Thưa ông, “Lệnh bài miễn tử” là đây ạ!” – Lê Kim Yến Nhi

Tôi hình dung cảnh “Thần Chết” vừa nói vừa trao cho anh Trương  Quân Thụy (sinh năm 1970), làm quản lý một nhà hàng ăn Việt Nam tại Berlin, CHLB Ðức, tờ giấy A4 có tên “Lệnh bài miễn tử”… (Anh Thụy từng mắc dịch cúm Tàu vào tháng 3/2021 kể, tôi người ghi lại…)

Không phải tự cách ly nữa…

Thấy người khó chịu, nghẹt mũi, húng hắng ho, tôi nghi cảm cúm. Hơn 10 nhân viên ai cũng bình thường. Nghĩ mình tiếp xúc khách hàng nhiều lại không đeo khẩu trang nên có phần lo lắng. Xin phép nghỉ hai ngày, tôi mua thuốc cảm uống. Ngày thứ ba không thấy bớt, tôi bèn gọi cấp cứu. Bác sĩ đến khám xong bèn đưa vào bệnh viện. Test nhanh tôi nhận được tin…không hề muốn: “Ông về mua thuốc uống theo toa, tự cách ly, theo dõi”. Tôi chọn giải pháp an toàn thay vì về nhà mình đông người thì đến nhà người em. Ở đó có hai phòng sẽ rất tiện cho việc cách ly. Rồi bạn bè, người nhà mang thức ăn đến đặt trước cửa phòng. Nhưng ăn xong là ói, bụng lép kẹp… Nghĩ mình chưa chết vì cô- vít nhưng chết vì đói là có thể, bèn nhờ bạn gọi cấp cứu đến truyền nước, truyền đạm, sẽ trả tiền dịch vụ. Một người chắc là bác sĩ sau khi bắt mạch đã xuống lại xe lấy dụng cụ đo oxy lên. Xong, ông kết luận ngay và nhanh: “ Sức khỏe ông rất yếu. Bây giờ không phải truyền gì hết…”.

Tác giả (đứng) và vợ chồng Quân Thụy, Hải Nam

…mà phải theo chúng tôi vào bệnh viện ngay!


Tôi được đưa thẳng lên tầng 5 không qua thủ tục gì hết! Ðón tôi là một số y bác sĩ Khoa cách ly đặc biệt! Nằm trên giường đẩy tôi liếc mắt nhìn các phòng thấy bệnh nhân đều nằm bất động, đâm hoảng. Vừa vào phòng thấy cỗ máy sừng sững thì ngợp luôn! Ðấy là máy thở! Và tôi nghe được họ trao đổi rằng mình đã nhiễm SARS-CoV-2, lượng oxy vào phổi rất kém… Bác sĩ dặn nằm úp cho dễ thở. Nằm úp chỉ một lát là tôi phải xoay trở vì khó chịu. Hễ tôi rục rịch là có y bác sĩ chạy vào. Họ lấy gối chêm, buộc phải nằm úp. Thấy tôi trở người hoài họ bèn chọn giải pháp… chích thuốc gây mê! Trong cơn mê tôi thấy mình ngồi trong một con tàu điện siêu tốc. Nó lao đi vun vút vào…lòng đất! Khiếp hãi! Khi tỉnh lại mới biết mình đã ngủ giấc dài…hai tuần! Người đờ đẫn. Bác sĩ cho biết phổi tôi vẫn còn trắng nên tiếp tục cho thêm… một giấc dài nguyên tuần nữa! Phải chi tôi chịu khó nằm úp thì đâu đến nỗi! Nhưng chưa hết đâu bạn! Y bác sĩ tận tâm điều trị cho tôi mà vì thương nhớ con, nhớ gia đình, bè bạn tôi đã gây phiền hà cho họ không ít. Sau này mới thấy mình không phải với họ chút nào…

Anh Trương Quân Thụy (trái)

Tôi được chuyển qua Khoa hồi sức. Nằm bẹp gí trên giường, quanh mình thì dây nhợ, tã, bịch nước tiểu… Tôi được đeo hai ống thở.  Có thể hậu quả của thuốc gây mê khiến mình bực bội, khó chịu… Tôi chửi thầm, căm thù con COVID- 19 khốn kiếp! Tôi muốn thoát ra khỏi đây. Trong lúc tinh thần bị kích động tôi rơi từ giường xuống đất! Mặt đầm đìa máu. Y bác sĩ vội bế lên giường chăm sóc. Họ vừa đi khỏi là tôi lại bò xuống đất, tìm cách lẻn ra khỏi bệnh viện. Nhưng bảo vệ phát hiện, tôi bị khiêng lại vào phòng sau khi cố sức giằng co, chống cự bằng cái sức tàn, lực kiệt của một bệnh nhân nhiễm dịch! Hai người bảo vệ lau rửa rồi “trói” tôi trên giường bằng các cái gạc y tế như bao tay, tất chân.

Tôi lả người còn nghe loáng thoáng ai đó báo bà bác sĩ trưởng khoa là tôi quậy quá! Bà bác sĩ trẻ người Ấn Ðộ nói ông Trương này rất lịch sự, lễ phép chứ không đến nỗi gì đâu rồi bà đến thủ thỉ bên tai tôi: “ Ông cố gắng vượt qua. Cô-vít không còn hành hạ nữa đâu! Hãy tin tôi đi!”. Tôi vẫn phải thở máy. Tám giờ sáng hôm nọ, có đoàn bác sĩ đến nghe bệnh viện báo cáo bệnh tình của tôi. Sau này nghe kể họ toàn là giáo sư, tiến sĩ ở một số bệnh viện đến trao đổi đưa ra phác đồ điều trị. Ông giám đốc một bệnh viện ở thành phố Berlin hỏi tôi có muốn đến chỗ ổng chữa trị không, do có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại hơn. Chỉ cần tôi gật đầu là đi. Bác sĩ giám đốc bệnh viện quận nói sẽ chữa khỏi bệnh còn nếu tôi muốn họ sẽ chuyển. Tôi lắc đầu thay câu trả lời. Ông ta cảm ơn vì tôi đã tin tưởng bệnh viện quận.

Nhập viện ngay thôi!

Tận tụy trong công việc, tận tâm với người bệnh

Thứ Hai đến Thứ Sáu bác sĩ thăm khám. Thứ Bảy, Chủ Nhật một bác sĩ từ phía Tây Ðức thông qua con rô-bốt hỏi chuyện trực tuyến với tôi về tình hình sức khỏe rồi trao đổi với bệnh viện cách điều trị… Hằng ngày tôi được tập thở qua máy rồi bong bóng thở. Nghĩ đến gia đình, người thân, sự nỗ lực cứu người của y bác sĩ, tôi cố tập thở… Thấy họ thay quần áo tắm khô, tắm ướt, thay tã…cho mình trong khi không rời khỏi bộ đồ bảo hộ kín mít tôi thấy lòng rưng rưng, kính phục. Và cảm động nhất phải kể đến lời khích lệ của một bác sĩ: “ Ông cần phải có một diện mạo khác để người thân gặp lại không hoảng hốt! nhớ ăn vào, lạc quan lên!”. Thế rồi họ cắt tóc, cạo râu, tỉa tót cho người mà trước khi vào bệnh viện 85 kg nay còn 61 kg!

Tình hình dịch căng thẳng nhưng bệnh viện vẫn tạo điều kiện cho người thân, bạn bè vào thăm và mang thức ăn cho tôi. Họ nói nếu ớn thực đơn bệnh viện thì tự chọn thức ăn từ nhà mang đến. Người em tên Hiếu khi mang thức ăn vào đã trố mắt nhìn tôi, một thân hình tiều tụy, một khuôn mặt lạ xa! Còn Ðức Anh cũng bàng hoàng, thảng thốt khi nhìn thấy ông anh từ một thân hình lực lưỡng đến nay teo tóp, thảm hại! Tuần thứ 5, tôi được test nhanh. Họ nói thầm nhau là tôi đã hết cô-vít. Tôi dọ hỏi bà y tá. Bả nói mình không có quyền trả lời nghe rất…hành chính nhưng gương mặt lại lộ vẻ khích lệ tôi…

Trong những ngày tập vật lý trị liệu

Tôi sẽ rời Khoa cách ly đặc biệt nhường chỗ cho bệnh nhân khác để chuyển đến Khoa phục hồi chức năng. Tôi tạm xa máy thở, đeo bình oxy mini, ra sức tập đứng, ngồi, đi…như đứa trẻ lên hai chập chững những bước chân đầu đời. Ði có hai người xốc nách. Quãng đường vào toi-let dài 3m nhưng tôi nhấc từng bước, nghỉ bốn, năm lần! nhớ những lúc lái mô tô trên đường cao tốc khỏi nói luôn!

Ðúng ngày 30/4, tôi được xuất viện kèm lời dặn cố gắng ăn uống, tập luyện để phục hồi sức khỏe. Họ giới thiệu bác sĩ dịch vụ nếu tôi có nhu cầu. Tôi không có nhu cầu có  một bác sĩ phục vụ mỗi tuần 45 euro mà là nhu cầu cả bệnh viện kia, bạn à!  Ðó là lúc thấy khó chịu trong người. Ngày 7/5, tôi đến bác sĩ để xét nghiệm, thăm khám mới biết gan có vấn đề! Lập tức nhập viện. Thì ra bệnh viện đã dùng thuốc, một số hóa chất cực mạnh “đánh diệt” cô-vít khiến gan của tôi tổn thương! Bệnh viện lại gây mê, nội soi. Bác sĩ nong ống dẫn mật trong gan… Ðến 18/5/2021, tôi rời Bệnh viện Sana Klinikum Lichtenberg. Khoảng ba tháng sau, tôi lấy lại 24 kg đã mất. Và nay, tôi thiếu 9 kg…tròn 1 tạ!

Ngoài đời tôi “tin ở hoa hồng” nhưng vào bệnh viện tôi “tin ở y bác sĩ”- những vị “Thần Sống” đã tiếp động lực cho tôi vượt lằn ranh sinh-tử! Họ không hề phân biệt đối xử tôi là người nước ngoài… “Bạn nói giúp tôi gửi lời tri ân đến họ và cảm ơn những tình thân, bè bạn đã đồng hành, khích lệ tôi trong suốt thời gian qua!”- anh Trương Quân Thụy chia sẻ.

Tháng 5/2022, với vợ Hải Nam về Việt Nam thăm mẹ

LKYN

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.