Nhật ký Sài Gòn  thời… mắc dịch – Bùi Thị Hường

Cách nay khoảng hơn 1 năm là những ngày đại dịch cúm Tàu quét mạnh vào Sài Gòn. Chính quyền thành phố Sài Gòn (từ đây xin viết tắt SG) ra lệnh phong toả, giãn cách rồi giới nghiêm. Dây kẽm gai, chướng ngại vật giăng đầy phố và cả những con hẻm. Tính ra trong đợt bùng phát dịch lần 4, Sài Gòn trải qua 7 lần giãn cách xã hội tổng cộng 123 ngày. Cấp độ giãn cách lần sau siết chặt hơn lần trước và từ 9/7/2021 xem như phong toả toàn thành phố.

Những cuộc gom người FO, F1, F2 vào các bệnh xá “thu dung” nhưng không có biện pháp điều trị cụ thể. Nhiều người đã chết và số người chết có thể cao hơn con số thống kê của chính quyền (hơn 20 nghìn người) vì có nhiều người chết ở nhà không khai báo và địa phương cũng không kiểm soát hết.

Ðỉnh dịch vào cuối tháng 7, 8 và 9/2021 khiến người chết không kịp thiêu. Phần lớn trường hợp chết do người dân không được tiêm chủng vaccine bởi nhà nước thiếu chuẩn bị và quá lúng túng trước cơn dịch xảy đến. Có lẽ những thành tích chống dịch 3 đợt trước đó khiến nhà nước chủ quan, luôn ngạo nghễ với chiến thắng (?) Những biện pháp cách ly tập trung người nhiễm bệnh vào một chỗ và tập trung người xét nghiệm, chích vaccine mang trong nó ít nhiều sai lầm…

Dây kẽm gai giăng khắp các phố phường những ngày giãn cách  

Ðáng lưu ý cũng trong thời gian khủng khiếp này lại có lũ người sẵn đang nắm quyền lực trong tay lợi dụng cơ hội cấu kết làm giàu. Chúng bàn bạc, chia chác nhau những que kit test. Ăn chia nhau hàng ngàn tỷ đồng từ những “chuyến bay giải cứu”. Vừa qua đã có một số tên bị nêu danh, cảnh cáo, bị bỏ tù nhưng tội lỗi của chúng chỉ trừng trị như vậy vẫn chưa đủ.


Dưới đây là nhật ký tôi ghi chép về những ngày tháng trong giai đoạn bi thương nhất của Sài Gòn thời mắc dịch:

– 30/5/2021, tình hình cúm Tàu ở Sài Gòn có những dấu hiệu bất ổn sau khi nhiều người xả láng ăn chơi hồi cuối tháng 4/2021 và khắp nơi tổ chức bầu cử. Thế rồi SG ban hành lệnh giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 31/5/2021 theo chỉ thị 15+. Sau khi nghe tin này, rất nhiều người dân liền đổ xô vào các siêu thị mua sắm hàng hoá tích trữ. – 31/5/2021: Từ 0 giờ, SG ra lệnh tạm dừng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, giáo dục đào tạo. Tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ: quán bar, spa, massage, làm đẹp, ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử kể cả bán hàng rong, vé số dạo…

 Các app quản lý người dân được ban hành
Phiếu đi chợ
Giấy phép đi đường

– 14/6/2021: Do xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng nên SG ra lệnh tiếp tục giãn cách xã hội toàn địa bàn theo chỉ thị 15+ đến 0 giờ ngày 29/6/2021.

– 19/6/2021: SG lại ban hành chỉ thị về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch: buộc tạm ngưng các chợ chồm hổm, chợ tự phát. Tiếp đó vài ngày, 237 chợ truyền thống với khoảng 62,000 hộ kinh doanh cũng chung số phận.

– 9/7/2021: Từ lúc 0 giờ, SG bắt buộc thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố, tạm dừng vận chuyển hành khách công cộng, kể cả xe buýt nội thành. Tới 23/7/2021 lệnh này lại duy trì đến1/8/2021. – 27/7/2021: SG ban hành mẫu “Phiếu đi chợ” cấp phát cho từng gia đình. Theo đó mỗi gia đình chỉ được phép đi chợ tối đa 2 lần/tuần theo khung giờ và địa điểm mua hàng nhất định.

Các chốt chặn phân biệt vùng xanh, vàng, đỏ

– 23/8/2021: Từ 0 giờ, SG lần đầu tiên áp dụng lệnh giới nghiêm toàn thành. Trước đó, chiều 21/8/2021 SG vẫn đánh lừa người dân bằng cách khẳng định: “Sẽ không thực hiện phong tỏa thành phố trong 2 tuần lễ tới”.

– 23/8/2021: SG ban hành mẫu “giấy đi đường” cho những thành phần ưu tiên được phép ra đường và ban hành văn bản quy định từ ngày này, người dân dù thuộc phân vùng “đỏ”, “vàng” hay “xanh” đều sẽ áp dụng phương thức “đi chợ hộ” do tổ hậu cần địa phương, các lực lượng tình nguyện hỗ trợ. Tuy nhiên với dân số gần 10 triệu người, kế hoạch này chắc chắn khó lòng thực hiện.

– 23/8/2021: Nhà nước huy động khoảng 35,000 dân quân tự vệ cùng hàng ngàn quân chủ lực vào tham gia chống dịch ở Sài Gòn. Ban đầu dự kiến lực lượng này sẽ tham gia các chốt kiểm soát, đảm nhiệm việc chuyển hàng hóa đến người dân (đi chợ hộ) thay cho đội ngũ shipper bị cấm hoạt động. Tuy nhiên ngay sau đó kế hoạch “đi chợ hộ” buộc phải hủy bỏ vì quá kém hiệu quả.

– 25/8/2021: Từ 0 giờ, SG quyết định đổi giấy đi đường mới. Theo đó, 17 nhóm người tại công văn 2800 và nhóm bổ sung tại công văn 2850 được phép lưu thông phải thông qua đơn vị quản lý chủ trì cung cấp danh sách và được cảnh sát xác nhận. Việc thay đổi liên tục cơ quan cấp giấy đi đường khiến nhiều cơ quan, xí nghiệp và cá nhân lúng túng vì không theo kịp

Các điểm test Covid-19 chích vaccine luôn tập trung đông người

– 23/8/2021: Vào chập tối, SG ban hành công văn yêu cầu công chức nhà nước khi di chuyển ngoài đường phải có đồng phục nhận diện mà không ai hiểu chuyện này giúp mang lại lợi ích gì?

-30/8/2021: Tính tới sáng ngày này riêng Sài Gòn có gần 210,000 người nhiễm virus cúm Tàu và 8,869 người tử vong. Hình ảnh người chết, lò thiêu… xuất hiện nhan nhản, liên tục ở ngoài phố và trên các trang mạng xã hội.

-30/9/2021: SG tiếp tục ban hành app mới có tên PC-COVID và cho biết đây là “ứng dụng duy nhất” liên quan đến phòng chống dịch tại thành phố. Song cũng như hơn 20 cái app đã có trước đó, ứng dụng PC-Covid gặp khá nhiều lỗi, nhiều người không thể truy cập, chậm cập nhật dữ liệu, tự động đăng xuất…Tóm lại là đến lúc này, cả nước cũng như Sài Gòn chưa có cái ứng dụng nào ra hồn. Hết app này tới app nọ của từng ban ngành cứ chồng lấn nhau. App nào cũng xài dăm ngày là bỏ dở giữa chừng.

Người dân ùn ùn kéo nhau về quê

-1/10/2021: Chuyện tái mở cửa nền kinh tế đang là việc thúc bách từng ngày do vậy theo chủ trương chung của nhà nước Cộng sản VN, SG quyết định bãi bỏ giãn cách, từng bước thực hiện chủ trương “sống chung cúm Tàu trong thời kỳ bình thường mới”.’

– 1/10/2021: SG cho rằng việc lưu thông từ ngày này sau khi các chốt kiểm soát được gỡ bỏ sẽ không cần giấy đi đường nữa. Tuy nhiên họ lại bảo rằng người dân khi lưu thông cần chuẩn bị sẵn thẻ xanh, mã QR khai báo di chuyển tại ứng dụng VNEID và lịch sử tiêm chủng vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh trong 180 ngày. Thế thì cũng vẫn đủ thứ giấy má khiến người dân ra đường vẫn trong tâm lý bất an.

– 1/10/2021: Người dân ùn ùn kéo nhau về quê từ lúc rạng sáng gây tắc nghẽn ở các cửa ngõ. SG tìm mọi cách ngăn cản nhưng làn sóng người vẫn không đồng tình nên sau cùng, họ phải cho dân về theo nguyện vọng. Từ khi dịch bùng phát ở Sài Gòn và một số tỉnh lân cận, đã có mấy đợt di tản như thế này. Dù SG khuyến cáo bất cứ người dân nào đã tìm đến và sống ở đây, chính quyền sẽ chăm lo với những điều kiện tốt nhất. Nói rất hay, tình cảm, xúc động lắm nhưng người dân nghe mãi những lời này rồi nên họ chẳng tin tưởng nữa. Lý do bởi nhiều người dân vì thất nghiệp đã phải cầm cự bữa đói bữa no sống nhờ cơm từ thiện. Mấy tháng giãn cách khó khăn muôn trùng, đến nỗi một bó rau, cọng hành cũng thiếu. Gói hỗ trợ lần 1, lần 2 nhưng thủ tục quá rườm rà, khai báo đủ kiểu nhưng vẫn người có kẻ không, nhất là thành phần nhập cư càng khó có “suất”. Với người dân Sài Gòn thường trú, một gia đình được nhận hỗ trợ 1.5 triệu VNÐ/tháng tức 1 ngày được 50 nghìn VNÐ cũng chỉ là sống lây lất qua ngày!

BTH

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.