“Người hùng” bất đắc dĩ! – Lê Kim Yến Nhi

Năm 2017 hai mẹ con tôi sang Berlin. Chồng tôi người Ðức, làm nghề dạy học còn tôi phụ việc buôn bán cho một cửa hàng tạp hóa của vợ chồng ông cậu ruột. Năm 2018, tôi dẫn con gái về Việt Nam thăm nhà. Giữa năm 2019, chúng tôi đón ba mẹ từ Việt Nam sang chơi. Bỗng thấy nhớ Tết quê nhà nên cuối năm 2019 tôi lại về Ðà Nẵng luôn tiện thăm bà nội đã ngoài chín mươi. Ăn Tết vừa xong là …hối hả trở lại Ðức vì COVID-19… “dí” sát sau lưng!

Đoàn phóng viên Truyền hình Pháp-Đức Arte trước cửa hàng. Bảng cáo lỗi khách hàng (trái) phải tạm dừng phục vụ vì cửa hàng “bận” được quay phim, chụp ảnh trong vòng 2 tiếng! 

Vẫn cứ lạc quan

Chuyến bay từ Việt Nam sang Ðức khách đông đen. Lại phải đeo khẩu trang phòng dịch thêm bí bức. Ráng thở thôi chứ con cô-vy, cô-víc đuổi sát nút rồi. Cứ nuôi hy vọng càng xa Trung Quốc càng ít sợ nhiễm dịch…

Trước khi tôi quay lại Berlin ba mẹ có dặn dò phải cẩn thận, tránh tiếp xúc gần và còn nhắc mua khẩu trang mang sang. Dịch đang rục rịch ở Việt Nam. Tôi cười bảo ba mẹ lo xa. Khẩu trang chỉ dùng cho các ngành nghề dễ tiếp xúc với khói bụi, lây nhiễm các loại vi khuẩn như công nhân vệ sinh môi trường, y bác sĩ v.v. chứ nó khá xa lạ với đa số người dân bên này. Chuyện buồn cười là có mấy cháu học sinh đi ngang cửa hàng thấy tôi đeo khẩu trang đã cười như chế giễu: “ Ô, cô- rô- na kìa!”. Có trường hợp người mang khẩu trang ra đường bị nhiều người xa lánh hoặc có người nóng nảy rượt đuổi vì cho rằng…đau ốm thì ở nhà, ra đường làm cái chi! Bởi thế ở đây có số người mới biểu tình phản đối biện pháp phòng dịch như giãn cách và đeo khẩu trang khiến họ mất…tự do!? Ðể đến nỗi cảnh sát phải…xuống đường vãn hồi trật tự.

Nhưng dịch bùng phát nhanh, sau Ðức tiếp đến Ý, Pháp, khẩu trang trở nên có giá. Cuối tháng 1/2020 nghe đâu khẩu trang khan hiếm. Trên mạng rao bán 50 cái giá 72 euro. Tôi đặt mua một ít khẩu trang dự trữ, 100 cái giá hơn 118 euro và cũng không quên mua mì gói, giấy vệ sinh, nước uống dự phòng…. Ông xã tôi người Ðức, dạy học dùng khẩu trang khi đến trường, lên lớp là đúng rồi. Còn tôi thì đang bán hàng mà chơi bịt cái khẩu trang, làm “nin-ja” có nước…đóng cửa hàng luôn! Cậu mợ tôi cũng lo không biết buôn bán sẽ thế nào… Ba mẹ tôi từ Việt Nam nhắn tin qua messenger: “ CHLB Ðức, đất nước hùng mạnh của Châu Âu – quê hương thứ hai của nhiều người thân yêu – đang đối mặt với dịch bệnh. Hai nước Italia, Pháp đã hốt hoảng. Người ra đi vì dịch ngày mỗi tăng… Ðức cũng bất ngờ nhưng hy vọng sẽ vượt qua đại dịch! Ðã gần 350 người nhiễm virus corona! Nhắc cậu mợ với cả nhà cẩn thận nghe con!”.


Phóng viên đang làm việc

Ðầu tháng 4/2020  Ðức đã có hơn 73 nghìn ca nhiễm bệnh và gần 900 người chết! Trong khi đó ở quê nhà, dịch được kiểm soát khá tốt nên tôi thấy yên tâm.

Ngày 11/3, trong buổi họp báo cùng Bộ trưởng Y tế Ðức, bà Thủ tướng Angela Merkel đã cảnh báo có thể có tới 60% – 70% dân số Ðức có thể nhiễm dịch COVID-19. Bà còn nói việc chưa có vắc xin như hiện nay thì quan trọng nhất là giảm tốc độ lây nhiễm của virus nhằm tránh gây quá tải cho hệ thống y tế. Vắc-xin chưa có nhưng nghe đâu Ðức đã sản xuất cả trăm nghìn máy thở…đón đầu!

Thượng tuần tháng 3/2020, số người nhiễm virus cô-rô-na tăng, Thị trưởng điều hành Michael Mueller đã công bố, dự kiến 16/3 sẽ đóng cửa các trường học và nhà trẻ ở Berlin… Con gái tôi đang học lớp 6 thuộc diện…nghỉ ở nhà tránh dịch.

Bà Thủ tướng Ðức phát thông điệp dịch COVID-19 gây ra thách thức lớn đối với Ðức kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2! Nghe kinh rồi! Nhưng niềm vui lóe lên khi nghe thông tin Chính phủ liên bang đang lên kế hoạch ngân khoản cứu trợ 40 tỉ euro, trong đó 10 tỉ tài trợ trực tiếp dành cho doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng dịch…Thêm tin từ quê nhà gửi sang là dịch không đáng lo như ở bên này. Ðấy là nói khi còn quá sớm-năm 2020. Sau đó tôi cũng làm quen với các từ “bung”, “toang” do dịch COVID-19… từ bên Việt Nam.

Tác giả Lê Thị Yến Nhi (giữa)

Và thế là trở thành… người hùng!

Tôi trở lại Ðức không mang theo khẩu trang nhưng lại mang theo nhiều cách hướng dẫn phòng chống dịch rất giá trị bằng các phương pháp dân gian…Cả nhà siêng uống nước không cho cổ họng khô, uống nước cam, nước chanh, xông hơi bằng sả, luôn đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần với bên ngoài…Chúng tôi chia sẻ thông tin cho người thân và bạn bè bên này.

Trong khi các cửa hàng, siêu thị rộng lớn phải đóng cửa để hạn chế tập trung đông người thì những cửa hàng nhỏ như của cậu mợ tôi lại buôn may bán đắt.  Chúng tôi viết trên bảng treo trước cửa hàng với nội dung là chúng tôi sẵn sàng phục vụ quý khách. Vì sức khỏe cho quý khách hàng trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành chúng tôi xin phép đeo khẩu trang khi phục vụ. Quý khách hết sức thông cảm và vui lòng ủng hộ. Chúng tôi xin cảm ơn!

Nhưng bây giờ đã khác. Khách quen rồi khách vãng lai cũng tấp nập đến cửa hàng. Hầu hết họ đều đeo khẩu trang chứ không phản đối khẩu trang như trước nữa.

Cửa hàng hoạt động đều đặn. Rau, củ, quả tươi xanh chẳng lúc nào vắng trên các quầy, trong các tủ lạnh. Cả ba chúng tôi làm việc đến bở hơi vì khách mua nhiều hơn trước đây. Không để khách xếp hàng chờ đợi lâu. Mệt mà vui. Có thể vì vậy mà lướt luôn qua dịch bệnh chăng. Khách hàng nào quên khẩu trang, chúng tôi vui vẻ tặng ngay, nhanh và luôn. Thế là tiếng lành đồn xa. Ðồn đến tận kênh Truyền hình Pháp-Ðức Arte. Tháng 6/2020, đoàn làm phóng sự truyền hình gần chục người đến xin được quay một đoạn phim về Cửa hàng VINH có những “người hùng đương đầu” với dịch cô-vít! Họ gọi chúng tôi là người hùng! Cậu mợ Vinh của tôi trở nên…nổi tiếng khi hình ảnh về chúng tôi và cửa hàng được đăng báo, in trên áp-phích tuyên truyền rồi phát trên truyền hình…!

Giờ đây tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Ai cũng đều chích ba mũi vắc-xin. Tháng 4/2022 chúng tôi làm thủ tục bảo lãnh cho ba mẹ đầu tháng 7/2022,  qua lại Ðức chơi 3 tháng. Cậu mợ tôi đóng cửa hàng về Việt Nam…thư giãn gần 2 tháng luôn thể thăm bà ngoại vừa mừng thọ chín mươi.

Tôi thì… “ra riêng” mở cửa hàng hơn nửa năm rồi nên không về Việt Nam được. Hẹn một ngày đẹp trời thôi!

Cửa hàng phục vụ không ngừng nghỉ trong những ngày dịch giã

LKYN

(Berlin, CHLB Đức)

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.