Mùa Covid và tôi – Tracy Hay Tran

Tôi viết bài này để nói về dịch Covid 19 đã qua, những chuyển biến trong thời gian này đến với mọi người trên toàn thế giới, trong đó có thành phố nhỏ, nói đúng hơn nó là một thị trấn rất ít dân cư, khoảng ba ngàn người, cái thị trấn đi năm, ba phút đã trở về chốn cũ và tôi cũng là một trong những người đã trải qua mùa dịch Covid tại đây.

Ngày tôi từ Việt Nam về lại Mỹ cũng là lúc dịch Covid bùng phát dữ dội, đến mức độ Chính quyền ra chỉ thị đóng tất cả mọi dịch vụ, cấm cả không được ra đường. Mọi người trong thị trấn này nói riêng và trên toàn nước Mỹ và chắc cả thế giới nói chung đều phải mua thực phẩm, thức ăn, nước uống để dự trữ trong khoảng thời gian cấm không ai được ra đường. Vậy là xong, hàng ngày ngồi trong nhà nhìn ra cửa sổ, đường phố vắng hoe, họa hoằn lắm mới có một chiếc xe bất chấp lệnh cấm lao ra đường chạy đi một cách hối hả, có lẽ cho những việc khẩn cấp.

Nhớ cái ngày thông báo không được ra đường thì tôi và em gái cũng chạy vội ra Walmart mua hối hả gạo, nước, mì, dầu ăn, đồ hộp… Một cảnh tượng không thể ngờ được là trên các quầy hàng hóa trống trơn, không còn hàng để bày bán, mạnh ai nấy mua lấy mua để, để lo cho gia đình trong những ngày bị cấm túc này.

Cứ như là chạy giặc chứ không phải là dịch bệnh. Tình hình kéo dài một tháng, ngày tôi được ra đường, thị trấn vắng hoe cứ như là một nơi chốn xa lạ và hoang vu…Sau hơn một tháng trở lại sinh hoạt bình thường thì mọi người dân trên nước Mỹ đã được chính phủ trợ cấp tiền để giúp dân trong khoảng thời gian không ai có công ăn việc làm.


Và rồi phải đi chích ngừa vaccine từ 1 mũi đến 3 mũi. Vấn đề này cũng có những ý kiến trái chiều, người thì cho rằng nên chích, người thì bảo rằng không nên vì ảnh hưởng thuốc này làm cho mất trí Nhớ về sau. Nhưng thế nào cũng phải chích ngừa trước đã, tôi cũng là người đã chích ba mũi Moderna. Lần đầu chích tôi hơi bị cảm, nhưng tôi ăn đồ nóng và uống ít nhất 3 viên Tylenol nên tôi qua khỏi, lần thứ 2 kinh nghiệm hơn, tôi không tắm trong ngày chích và uống liều thuốc chống cảm cúm và lần chích thứ 3, tôi cũng lặp lại việc ngăn ngừa nên tôi không bị gì cả. Ði đâu tôi cũng cẩn thận đeo mask (trong thời gian này tôi đến phòng tập gym và lúc nào cũng mang mask) cho đến khi về nhà, đồng thời ăn uống tôi cũng rất cẩn thận. Khi nói về khoảng thời gian này đâu đó vài nơi trên facebook những tin tức xa gần, thông tin ở Ấn Ðộ và nhiều nước trên thế giới vẫn còn người chết không ngừng… Dưới nhiều hình thức vẫn còn xảy ra cái chết hàng ngày, chưa vơi bớt.  Nào cứu trợ, thuốc men, thực phẩm, tiền bạc vẫn chưa ngưng nghỉ dịch bệnh này… Rồi chuyện đập phá, cướp giật ở những khu shopping gây ra nhiều tai ương khó đỡ trong mùa dịch.

Hallettsville, Texas City Hall

Bản thân tôi không nằm trong trường hợp dịch bệnh vất vả hay phải vào bệnh viện có lẽ do sự may mắn (nói theo kiểu người Việt mình là có ơn trên phù hộ nên tai thì qua mà nạn thì bị dính chút ít vì không có tiền để trả chi phí nhà cửa). Nhưng rồi khéo ăn thì no khéo co thì ấm. Vả lại khi thấy trong người nóng sốt, tôi đã chuẩn bị sả, gừng, chanh để nấu nước uống, xông hơi hay cứ theo phương pháp thuốc nam mà tự điều trị tại nhà. Từ cuối năm 2019, tôi nói riêng và gia đình anh chị em, cả Má tôi ở Việt Nam không ai bị Covid, chỉ cảm cúm thường rồi cũng qua. Ngày trước anh em tôi cuối tuần hay tụ tập nấu ăn, ca hát karaoke, chuyện trò. Dịch Covid nổi lên, nhà ai nấy ở, chỉ còn gọi nhau thăm hỏi, hoặc có nấu được món gì ngon, thì chỉ gọi phone, mở cửa đem thức ăn vào chứ cũng chẳng gặp nhau nói câu nào. Chuyện buồn cười là trước khi chưa xảy ra Covid, tôi hay đi chợ Walmart thấy họ bày bán vải, nút, máy may để trên kệ rất nhiều, khi dịch Covid vừa bùng nổ thì cái gì, món nào thuộc về hàng hóa để may khẩu trang thì không còn cái gì trên kệ, cứ như là họ đem cất để bán giá cao. Thực ra là nhiều người nhanh tay mua trước để đáp ứng nhu cầu về mask để dùng trong gia đình đông người hay để bán, tặng nhau trong thời gian khan hiếm mùa dịch.

Chuyện gần nhà tôi ở mới đáng nói. Ngày trước gần 10 năm nay hàng xóm của tôi hầu hết là người ngoại quốc. Ngày 2 buổi đi làm và trở về sau 5, 6 giờ tối, có tình cờ gặp nhau thì cũng chỉ “say hi” rồi mạnh ai nấy sống. Nhưng hình như sau dịch Covid, cả tôi và cả những người hàng xóm có vẻ thân mật hơn chút. Cuối tuần, những người bạn Mỹ cho chúng tôi trái cây, chanh, cam, rau, cà chua…mà họ trồng giải trí sau nhà họ (dân vùng này hưu trí khá nhiều và đại đa số ở vùng nông thôn này hầu hết họ là những người có tiền của, đất đai không phải ít). Ðể đáp lại tấm chân tình của họ, chị em tôi cũng nấu phở, làm chả giò chiên hay mì xào để biếu lại họ, có lẽ câu nói “bà con xa không bằng láng giềng gần” là đúng chưa bao giờ sai.

Chuyện mùa covid của tôi chỉ có thế. Một điều mà tôi buồn không ít là Tết năm nào tôi cũng về thăm Má tôi dịp Tết Việt Nam, năm 2020 tôi cũng có mặt. Về đến quê nhà, tôi quanh quẩn với gia đình, về quê thăm mộ cha tôi, ông bà, chị gái tôi. Má tôi còn đi cùng để thắp nén nhang cho thân tộc những ngày đầu năm… Vậy mà chỉ 2 năm tôi không về được vì trở ngại Covid19 (Tết năm 2021 và 2022), thì Má tôi đã ra đi (không phải vì dịch bệnh mà vì tuổi già, bà đã 92 tuổi) trong khoảng thời gian này tôi vẫn gọi phone và hứa với Má là xuân này con sẽ về ăn Tết với Má, nhưng rồi 2 mùa xuân qua tôi vẫn không về được. Má tôi đã ngủ và đi luôn không về nữa chỉ trước ngày Tết Việt Nam chưa đầy tuần lễ.

Giờ đây viết lại tâm sự này, tôi vẫn còn bàng hoàng cho cả thế giới và gia đình bé nhỏ của riêng tôi. Dẫu biết rằng ai đến rồi cũng phải ra đi, luật tuần hoàn sinh lão bệnh tử, nhưng dù ra đi dưới hình thức nào cũng để lại niềm đau, kỷ niệm buồn cho người ở lại, nhất là những người thân yêu của mình. Dịch Covid đã đến và mang theo bao nhiêu người ra đi không biết trước. Chết trong gấp gáp, không gặp được người thân trong giây phút cuối lìa xa trần thế. Lời tôi muốn nói là xin Thượng đế ban ơn, ban phước để mọi người dân được an lành và cuộc sống được bình yên, may mắn sống trong an bình. Ðó là điều người người mong ước trong cuộc đời này.

THT 

(Viết xong ngày 9/4/2022

Tại thị trấn HallettSville, Texas)

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.