Đi về đừng quên ngõ – Đỗ Dũng

Tôi có 2 người bạn trong quân ngũ còn sót lại sau năm 75. Chúng tôi sống không gần, nhưng được cái là ở cùng Daklak, trước khi chia tách thành 2 tỉnh…

Hai thằng bạn tôi, thằng Nghĩa còn lành lặn, trước kia ở tiểu đoàn 5 Dù; thằng Bình cũng Dù, tiểu đoàn 6. Nó bị cụt 1 chân trong trận Thường Ðức năm 74. Cuộc sống của hai thằng nó và tôi cũng tạm gọi là ổn từ sau 75. Thằng Nghĩa chạy xe ôm nuôi vợ và 3 đứa con. Thằng Bình nhảy lò cò, bơm xe, vá lốp ở lề phố Banmethuot. Còn tôi vì ở ngoại thành nên cũng phải cố mà đeo bám vào cái nghề nông dù mỗi ngày một già tuổi, đuối sức…

Chúng tôi chơi thân đến độ có lần lãnh được 100 đô từ “Cây mùa xuân” ở Dòng Chúa Cứu Thế, thằng Bình chia cho tôi và Nghĩa mỗi thằng 25 đồng Mỹ, rồi đùa:

“Phải chi 2 thằng mày cụt mẹ nó chân như tao ở Barbara năm 74, thì hôm nay mỗi thằng cũng có 100 như tao, mà tao cũng chẳng phải chia thì tuyệt hơn không!”


Thường, tôi và hai đứa bạn vẫn gọi điện thoại cho nhau, hỏi thăm sức khỏe, đói hay no và công việc. Nhưng những lần phone như thế cũng chỉ vài ba phút. Ai cũng sợ tốn tiền và điều này gần như thành thói quen, dễ cảm thông.

Ðời sống cứ trôi từng ngày thiếu no mà bình yên như thế cho đến khi dịch cúm bùng phát tháng 7 năm ngoái ở chỗ tôi…

Những ngày lăn lộn kiếm sống rồi về lăn ra nhắm mắt mê mỏi không còn nữa, và giờ nó đã trở thành quý hoá từ khi tỉnh có lệnh phong tỏa.

Những bệnh viện dã chiến, những khu cách ly được dựng khắp. Mọi ngả đường đều rào gai, chốt chặn. Lệnh giới nghiêm ban hành. Tức thời và nhanh chóng, ngày cũng như đêm, chẳng còn ai ngoài đường phố – ngoại trừ các lực lượng cảnh sát và dân quân kiểm soát bắt những ai vi phạm hay tình nghi lây nhiễm bệnh…

Phố xá ở đây trong những ngày phong tỏa, cách ly, giãn cách không khác cảnh Vũ Hán những ngày phong thành trong cái clip “Ðêm trường Vũ Hán” là mấy, có khi còn thê lương, hoang vắng và ghê lạnh hơn. Tiếng còi xe cứu thương, những ngọn đèn vàng vọt trên những con đường vắng lặng, những hẻm phố khoá chặt, những hàng rào thép gai ngăn lối, những lực lượng kiểm soát chốt chặn với những khuôn mặt lạnh như đá. Âm thanh trên phố chỉ còn duy nhất tiếng còi gấp gáp cùng tiếng động cơ vội vã của những chuyến xe vượt đèn khẩn cấp. Cuộc sống bị đảo lộn là ngôn từ nghèo nàn của giới truyền thông thường diễn tả khi nói về dịch. Ðảo lộn ở đây tôi có thể giải thích đúng nghĩa bằng cuộc sống của tôi và bạn tôi là: Từng ngày kiếm cơm để từng ngày được sống. Giờ đang đảo lộn lại là từng ngày thoi thóp để có lại được từng ngày kiếm cơm.

Lệnh cấm đã ban, nội bất xuất, ngoại bất nhập rồi! Ai ở đâu yên đó, mua bán, chợ búa, sinh hoạt đều ngưng. Người dân bắt đầu nghĩ đến rau và gạo, và bằng mọi phương tiện có được, người ta tìm cách gọi cho nhau. Tôi cũng gọi cho 2 thằng bạn. “Mày có được cứu đói không?” là lời chào, “có gì ăn không?” là hỏi về nỗi lo. Và “không” hay “có” trả lời thật gọn để tiết kiệm card điện thoại, nhỡ hết giờ mua đâu ra…

Cũng may nhờ cuộc sống từng ngày luồn lách, chui lủi của 3 thằng cựu lính thua trận chúng tôi suốt 47 năm đã thành sở trường nên dù có cấm cản và rào chắn đến mấy, thằng Nghĩa cũng gởi cho tôi được những ổ bánh mì, tôi cũng gửi đến nó và thằng Bình những ký rau và khoai vườn nhà.

Ở thôn quê người dân cũng đỡ hơn, chính quyền ít để ý đến bắt bớ tập trung hơn phố vì dù sao phố xá, tỉnh lỵ vẫn là trọng tâm chú ý của lãnh đạo cao hơn. Nghe thằng Bình kể, ở phố nó lực lượng chống dịch bắt bớ bất kỳ ai. Mục tiêu là những người bệnh, sau đó là người tiếp xúc, kế tiếp là người liên quan. Tất cả đều được lùa vào những khu cách ly, những bệnh xá dã chiến không y tế, thực phẩm, và đây cũng là nguyên nhân gây ra bao cái chết oan khiên, bao cảnh gia đình ly tan…

Tuy nhiên ở Ban Mê cũng như chỗ tôi, tình hình cũng không đến nỗi làm mọi người phải sợ hãi hay hoảng loạn như các kênh truyền thông nói về tình hình Saigon lúc đấy. Có một nghịch lý là dù đang trong dịch ai cũng khó khăn nhưng gần như người ta luôn cố gắng tìm hiểu mọi thông tin về Saigon, và tìm mọi cách quyên góp cứu trợ ưu ái cho riêng Saigon. Cũng đúng thôi, vì chỉ Saigon thôi đã cưu mang biết bao lao động các tỉnh nghèo…

Rồi dịch bệnh cũng ngớt, sinh hoạt dần trở lại bình thường. Gia đình tôi, Nghĩa, Bình may mắn bình an. Ðại dịch rồi cũng qua, cái bóng đen vây khốn đời sống cuối cùng cũng tạm thời được đẩy lùi. Nỗi lo không còn, nhưng mừng vui thì không. Dường như nó đã bị bắn tử thương theo những nỗi buồn, theo những chuyến xe vượt đèn khẩn cấp, những khuôn mặt đờ đẫn, vô vọng của những bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến. Xót xa và buồn đau đã gần như chiếm hết khoảng thời gian những ngày gắng sống lại bình thường của tôi.

Nói ra, viết lại sao cho hết những nỗi niềm của một người đã và đang còn sống sau cơn đại dịch bao trùm lên một xã hội đang rất nghèo, đầy thiếu thốn như bản thân tôi.

Buồn lắm! Tôi đã nhìn thấy những ánh mắt đơn côi nhìn xuyên qua bóng đêm như khẩn cầu ai đó vô hình trong bóng tối. Những ánh mắt vô hồn, trống rỗng, quẫn cùng, không lối ra… Tôi đã từng lẩm bẩm khẩn cầu cho những bệnh nhân tôi nhìn thấy trên những clip Youtube (không biết bây giờ họ đã về lại ngôi nhà của mình chưa hay họ đã…).

Hãy trở lại phần đầu, đọc lại cái tựa bài viết này để cầu xin cho người đi rồi về đừng quên ngõ các bạn nhé, những đồng bào đầy yêu thương của tôi…

ĐD – Đak Nông, Vietnam

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.