Đêm giới nghiêm,  ngóng ra đường… – Phạm Nga

1

Quãng tháng 8, tháng 9 năm 2021, Sài Gòn bị dịch Covid19 nặng nhất nước, mỗi ngày có hơn 10,000 người mắc mới, cao điểm là ngày 28-8 lên đến 17,403 ca cùng trên/dưới 300 người chết. Thành phố ra Chỉ thị 16 rồi 16+, ban ngày cứng rắn hạn chế đi lại, trạm kiểm soát giấy phép đi đường dựng lên khắp nơi; ban đêm giới nghiêm, cấm dân ra đường từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Hơn thế, “cấm ra đường” bao gồm “cấm ra hẻm”. Như ở hẻm mình ở, cận 6 giờ chiều là anh em dân phòng đi khắp con hẻm, nhắc nhở ai còn xớ rớ trước nhà vui lòng vào nhà, đóng cửa ngay.

Ngay trước giờ giới nghiêm, trời còn sáng nhưng nhiều thứ tiếng động thường-ngày cũng rất thưa thớt. Như chiều chiều trong hẻm đâu còn rộn rịp xe cộ các loại của người đi làm, đi học về. Dịch tràn lan, học sinh nghỉ học, số người đi làm công/tư sở điều tiết chỉ còn 20%…

2


Ðêm xuống… Vào ngày thường, đêm xuống là con hẻm hay vắng người, nay giới nghiêm càng vắng lặng hơn. Mưa đêm rì rào một lát rồi tạnh, con hẻm quạnh quẽ trở lại.

Tuổi già khó ngủ, trằn trọc suốt.Thời Covid giấc ngủ càng èo uột, có khi vừa chợp mắt được giây lát đã choàng tỉnh vì ác mộng. Nằm thao thức, bất giác ngóng ra đường, lắng nghe bốn phía xung quanh nhà. Mới nhận ra đã vắng bặt nhiều thứ…

Ðầu tiên là không còn tiếng tàu hỏa chạy ngang ga Xóm Thơm gần nhà. Cái ga xép này buồn thiu từ ngày dịch bùng phát, ngành hỏa xa hủy 80% rồi 100% các chuyến tàu. Cũng ít hẳn tiếng chó sủa đêm. Bọn ‘nhân viên bảo vệ 4 chân’ này luôn hè nhau lên tiếng vang rân khi có người lạ vào hẻm, đi moi thùng rác, túi rác… Nay thì, ngay chuyện kiếm sống một cách bần cùng, cơ cực ấy của người nghèo cũng bị dẹp bỏ vì dịch xuất hiện. Ban đêm chỉ còn xe ba-gác máy vào hẻm dọn rác, nhưng phải đến 1-2 giờ khuya mới nghe tiếng các anh công nhân lục đục gom các túi rác, trút các thùng rác vào xe.

Chợt nhớ, thỉnh thoảng trong hẻm ban đêm từng có một thứ âm thanh gây phiền bà con, đó là mấy ông bợm say xỉn, tàn bữa nhậu đi thất thểu, hay la lối làm ồn. Giờ không còn nghe những cái giọng càm ràm, nhừa nhựa hơi men ấy nữa. Chắc đám bợm nhậu không tụ tập, gầy độ nữa vì sợ dân phòng đi tuần bắt được sẽ phạt nặng.

Lại nhớ con hẻm nhỏ, xóm lao động này còn có một kiểu nhộn nhịp của riêng nó, giờ cũng không còn. Như cái tên ‘Xóm bánh tiêu’ bà con thường gọi, cuối hẻm từ lâu đã có 2-3 lò làm bánh tiêu và bánh giò cháo quảy, nổi lửa chiên bánh từ 1-2 giờ khuya, thu hút những người bỏ mối hai loại bánh này cho các tiệm hủ tiếu, gánh cháo lòng, cháo huyết… cùng những sạp bánh bán sỉ&lẻ trong nhiều chợ ở cả một khu vực rộng lớn, gồm từ Gò Vấp sang Bình Thạnh, Phú Nhuận, cả cho Thủ Ðức. Do đó, bắt đầu từ giữa đêm, dù trời tạnh trời mưa gì tiếng xe gắn máy, ba-gác máy đến lấy bánh cũng ồn ã đến mờ sáng. Những cái giò-cháo-quảy và bánh tiêu giòn rụm, trông rất ngon lành mà giá tại lò lại rất rẻ. Thật tiếc khi thỉnh thoảng vài cái bánh từ túi, sọt ràng trên xe rơi vãi xuống đất, chèm nhẹp nước mưa…

3

Cứ thao thức, ngóng nghe dù con hẻm trước nhà vẫn im lìm như say ngủ. Cuộc sống đời thường ban đêm trong hẻm trước đây cùng các thứ âm thanh vụn vặt phát ra từ cuộc sống ấy cứ như đã bị lấy mất bởi trận dịch đang hoành hành tại thành phố. Và một khi trận dịch đã lũng đoạn cuộc sống như thế là cùng lúc tha hóa con người – dễ nhận ra nhất là tình trạng giới nghiêm/cách ly đã giới hạn tự do của con người về nhiều phương diện.

Và chính lúc bị trận dịch làm ngưng trệ cuộc sống bình thường thì con người, như trong đêm giới nghiêm ngột ngạt, tù túng này, mới chợt nhớ, thiết tha nhớ cuộc sống bình thường đã có với trọn vẹn các mặt tốt/xấu, tích cực/tiêu cực, đáng yêu/đáng ghét của nó…

Cũng thiển nghĩ giờ đây bổ ích gì mà phân biệt cái này tốt lành cái kia xấu xa – như tốt là các anh công nhân dọn rác đêm khuya, còn xấu là đám bợm say xỉn cùng dân lấy mối bánh tiêu, cháo-quảy làm ồn, phá giấc ngủ bà con lối xóm. Chỉ biết là trong những đêm tù túng này, đang chạnh nhớ cùng lúc tất cả những tiếng động ấy, và tin chắc rằng mình sẽ thở ra nhẹ nhõm, vui mừng biết bao khi có lại những tiếng động ấy, có nghĩa bộ mặt phong phú sắc màu có-tốt-có-xấu của cuộc sống được phục hiện đầy đặn trở lại khi đã qua đi thứ bóng tối thảm hại của dịch bệnh.

4

Rồi trời sáng hẳn, đã quá 6 giờ, hết giới nghiêm nhưng chỉ là xong thêm một đêm giới nghiêm, tức vẫn chưa xong thời hạn 14 ngày giãn cách cứng rắn theo Chỉ thị 16+. Con hẻm vẫn im ắng, chỉ văng vẳng tiếng radio hay tivi phát tin tức đầu ngày, lâu lâu mới có tiếng xe Honda chạy ngang nhà. Sinh hoạt thường ngày cuộc sống bắt đầu trở lại trong hẻm, ngoài đường, nhưng có vẻ gì đó lặng lẽ, ủ ê, có lẽ bởi thành phố còn bị dịch.

Trỗi dậy, rửa mặt, vệ sinh cá nhân, pha tách cà phê mang đến bàn, mở PC, trước tiên xem các trang web tin tức thời sự mới nhất về trận dịch… Chỉ lơ đãng nhìn vào màn hình bởi giờ này có thể ngóng nghe tiếng chim hót buổi sớm ngoài cửa sổ. Con hẻm được cái là khá gần công viên Gia Ðịnh, chỉ cách chừng 400-500m, nên lâu nay không kể đến bọn se sẻ còn có vài loài chim hoang dã khác, như: chim sâu, cu đất, cu cườm, chích chòe, áo già… – cũng ít ỏi thôi nhưng cứ lai rai có mặt trong vùng cây xanh công viên; rồi vào giấc sáng sớm, chúng hay bay vào hẻm, đậu hót trên mái nhà, chuyền đuổi nhau trên những tán lá vài cây mai, sung, mận, sa-kê…trong sân nhà người dân. Và, mặc cho dịch hoành hành, bấy lâu gây bao chết chóc, khổ đau cho dân thành phố, bọn chim chóc tự do ấy vẫn giữ vững thói quen sáng sớm là bay vào hẻm, kêu hót líu lo. Có thấy mặt thấy mỏ con nào đâu nhưng sau đêm giới nghiêm ngột ngạt, nghe tiếng chim hót thì trong lòng cũng được chút êm ả, dễ chịu…

Càng ấm lòng, dễ chịu hơn khi mở cổng bước ra hẻm, định quét gom lại một ít rác rơi vãi thì cũng vừa đúng lúc Dũng, một thanh niên trong xóm chạy xe máy đến, giao mấy bó cải.

Chiều hôm qua nhà ông Tư mạnh-thường-quân lại tặng rau xanh cho bà con đây. Lần này là cải ngọt, hết rau muống rồi. Chú chia dùm cho mấy em SV trọ nhà chú nhé”, Dũng vừa nói vừa lấy từ đống rau cải ràng ở yên sau, đưa ra mấy bó.

Cám ơn chú Dũng nhé, mới hết giới nghiêm đã lo… kiêm thêm shipper nữa à?”

Dạ, làm chứ, làm cho bà con khu phố mình thôi. Mà síp-pơ cao cấp đây nhé chú!”

PN

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.