Cô hàng xóm – Trần Lê Lan

Tôi từng là người không thích giao tiếp, không ưa nói chuyện với người lạ…

Ngoài các mối liên hệ về công việc, thân quen, tôi vô cùng “kỳ thị” người lạ tới bắt chuyện với mình. Có mấy lần tôi… bỏ chạy vì bị trai ví theo xin số, hoặc giả bộ làm mặt ngầu cho người ta sợ. Chắc tôi có năng khiếu diễn xuất, nên giờ vẫn chưa có người yêu. Bởi vậy, có khi ở đâu đó cả chục năm, ngoài những người bán đồ ăn và những con chó, con mèo trong xóm, tôi chẳng biết ai nữa. Có người chạm mặt tôi mỗi bữa, suốt mười năm, nhưng tôi không biết họ tên gì.
Có lẽ người thay đổi tôi là cô hàng xóm sát nhà tôi. Bữa đầu cổ thấy tôi dọn tới nơi này, cổ ra chào hỏi, tôi cũng chào hỏi lại, không mặn mà gì lắm. Bữa sau, cứ đúng 4 giờ chiều, cô lại leo lên tầng ba nhà cổ để ngó qua phòng tôi (vì hai tầng bằng nhau), tìm tôi nói chuyện. Có nhiều lần tôi không vui, không khỏe, không thích… tôi làm lơ, nghe tiếng gọi nhưng không trả lời. Nhưng qua hôm sau, cổ vẫn kêu. Nếu im, thì hôm sau nữa lại kêu… Quả tình, tôi vừa thấy phiền vừa thấy… tội, nên tôi lại trườn ra. Cổ tên Thanh, hơn 60 tuổi, không chồng, không con. Nhưng gia đình cổ có cỡ vài ba chục cái biệt thự, nhà xưởng nên từ nhỏ cổ không phải đi làm, chỉ ở không. Có lẽ vì vậy mà cổ hồn nhiên vô cùng.

Rau, bông cô trồng lớn hồn nhiên giữa thời tiết thất thường của Sài Gòn 

Cổ nói về những người đã từng ở nơi này trước tôi, từ hình dáng, tánh cách tới khả năng tài chánh, tình sử của họ.

Cổ khoe chó, mèo cổ nuôi với tôi, kể về cuộc đời tụi nó, khuyên tôi nuôi thú cưng cho đỡ buồn. Tôi nghe lời, nuôi thú cưng, ngày ngày cổ lên hỏi thăm tụi nó, tặng tụi nó đồ ăn, cho tôi địa chỉ thú y, chỗ mua đồ cho tụi nó… Ngày tôi phải đem thú cưng mình đi cho người bạn, vì bị dị ứng lông thú và viêm mũi dị ứng, cổ khóc còn nhiều và dai hơn tôi.  Bữa nào tôi qua nhà bạn thăm thú cưng, cổ cũng đi theo để “thăm ké”.


Cổ khoe từng loài cây cổ trồng ngoài ban công của ngôi nhà chà bá lửa – có thể nói là lâu đài – kể về cuộc đời và nguồn gốc từng loài cây, rồi cổ khuyên tôi trồng cây. Tôi cũng trồng mấy chậu loe ngoe, toàn là cây được chiết từ “vườn cây” ban công của cổ. Ngày ngày cổ lên, gào qua nhắc tôi tưới nước, bắt trùng, tỉa cây… Cây tôi trồng bị hư, cổ là người đầu tiên phát giác. Thế là cổ lật đật “chỉ huy” tôi xới đất, nhổ cây cũ, đưa cây mới cho tôi trồng. Hông làm biếng được với cổ.

Chó và mèo cô nuôi toàn trên 15 tuổi, tính theo tuổi động vật là rất thọ

Rồi thân hơn chút, cổ chở tôi đi chợ, dẫn tôi đi khắp xóm làm quen với người này người kia. Mỗi lần làm quen một người là chiều hôm đó, cổ về kể cho tôi nghe cuộc đời họ. Do gia đình cổ ở đây từ trước 1975, ai mới, ai cũ tới khu này là cổ biết hết. Nhờ cổ, tôi không chỉ biết chó, biết mèo trong xóm, tôi biết luôn chủ của chúng. Mỗi ngày đi ra đường, thay vì đi thẳng, thì tôi sẽ ghé chỗ này một ít, chỗ kia một chút để… nhiều chuyện, bởi họ kêu vô tám. Có lẽ cô Thanh cũng có uy tín với xóm, nên tôi cũng được chào đón theo.

Dịch Tàu tới, tất cả đều bị nhốt trong nhà. Cô Thanh cũng vậy. Do không rành công nghệ, cổ khó khăn hơn trong việc mua đồ ăn so với tôi, còn tôi thì ngoài việc thiếu tiền ra, thì mọi sự cũng ráng sống qua ngày. Bởi tôi biết chỗ mua đồ ăn online, biết các nhóm có người dám bán lén hoặc họ có “thẻ đi đường” ưu tiên – có thể giao đồ ăn với giá cao hơn thường ngày tới tận nơi tôi ở. Vì vậy, tôi đặt đồ ăn giùm cổ, giúp cổ không bị sụt cân trong thời gian bị nhốt. Nhưng con người đâu chỉ có ăn…

Tôi trở thành “chị bếp” của cả 2 nhà vì biết “đi chợ lậu” mùa dịch

Sau những tin tức về việc người dân bị ép đi cách ly, về chỉ còn trong cái hũ đựng cốt. Người ta có tiền, nhưng lại chết đói trong nhà vì lớn tuổi cộng nhiều bệnh, không biết cách “book” đồ ăn online, không thấy chú bộ đội mà chính phủ phái tới phát đồ ăn cho dân – ra đường thì dây ni lông, rào kẽm gai giăng kín lối, tiệm đóng, không mua được gì… Hoặc tin người này, người kia trong xóm ra đi vì dịch Tàu, vì bệnh nặng không được cứu, vì trầm cảm mà nghĩ quẩn… Cảnh thú cưng bị bỏ rơi, thiêu sống vì chủ bị COVID-19…

Cô Thanh cũng ít kiếm tôi hơn hồi trước. Ngôi nhà chà bá như cái hộp bự nhốt lại sự hồn nhiên của cổ. Cổ ít nói dần… Ban đầu, tôi cũng vô tâm không nhận ra, đôi khi còn thấy thảnh thơi vì không phải tiếp chuyện, để thời gian tận hưởng cuộc sống độc thân của mình trước khi “bạch mã hoàng tử” xuất hiện.

Nhưng sau mấy bữa cổ “mất tích”, tôi thấy không ổn, gọi điện thoại hỏi thăm coi cổ có bị cúm Tàu rồi bị đem đi nhốt không? May quá, cổ không bị cúm Tàu, chỉ bị tái phát hen suyễn, giờ bệnh viện không khám bệnh khác vì ưu tiên trị cúm Tàu, mà cổ cũng không dám đi khám vì bệnh viện chính là các ổ dịch. Sau khi hỏi han, nghĩ cổ cũng ổn nên tôi cúp máy.

“Hai vạch” rơi vào cuộc sống ở thời điểm nào cũng khiến người ta giật mình

Qua hôm sau, tôi gọi điện mà cổ không bắt máy. Tôi lo quá, sợ cổ… chết. Thế là tôi… trèo từ ban công bên này, qua ban công bên kia (dù tôi rất sợ độ cao), cố tình gào lớn tên cổ vì sợ bị nhầm là ăn trộm. May quá, cổ còn sống, chỉ là người sốt cao, mệt mỏi không dậy nổi. Mấy con chó, mèo cũng đói meo vì chủ bị bệnh. Tôi trở thành cô Tấm bất đắc dĩ, giúp họ no bụng qua ngày. Thầm khen mình thông minh, biết cách mua đồ ăn lúc rất nhiều người có tiền mà không mua được cọng hành. Thầm thấy mình đảm đang, khi biết nấu cháo cho người bệnh, cơm cho người khỏe, lẫn đồ ăn cho chó, mèo – mà không thấy ai chê.

Có một điều mà tôi không ngờ tới, tôi còn có một ưu điểm nữa mà tôi không “thầm khen” mình, đó là can đảm. Vì sau khi cô Thanh khỏe, cổ mới test COVID-19 thử, kết quả của 3 que test (hàng tư bản, không phải của Việt Á) cho biết cổ vừa trải qua những ngày nguy hiểm nhất của cúm Tàu, trong lúc Sài Gòn đang là nơi tập hợp những con virus nguy hiểm nhất cả nước về loại bệnh này. Khi ai ai cũng hoang mang khi nghe tới hai chữ “dương tính”.

Chắc do ăn ở, tôi không bị lây cúm Tàu lúc đó. Nhưng quả tình, tới tận bây giờ, gần một năm trôi qua, tôi cũng không thể trả lời câu hỏi: Nếu lúc đó, biết hoặc nghi ngờ cô Thanh bị cúm Tàu, tôi có dám leo qua làm “cô Tấm” hay không? Hay tôi báo y tế phường?

Trần Lê Lan

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.