Chuyện thời mắc dịch – Steven N

Dòng đời vẫn trôi như nước sông nguồn suối, dòng đời từ vô thủy đến vô chung liên lỉ sanh diệt chưa từng một khoảnh khắc nào dừng lại. Trong hai năm dịch vừa qua, dòng đời lắng xuống, trầm lặng một cách không ngờ. Dịch bệnh xưa nay vẫn xảy ra nhiều lần rồi và sẽ còn xảy ra trong tương lai. Văn minh con người càng tiến bộ, khoa học kỹ thuật càng phát triển thì những chủng loại virus cũng biến thể không ngừng và khôn lường.

Hai năm đại dịch với hàng triệu người chết, hàng chục triệu người nhiễm bệnh, kinh tế trì trệ, xã hội đình đốn, quốc gia phong tỏa… bao nhiêu chuyện khóc cười xảy ra với nhân loại. Ðôi khi chính những lúc này con người ta mới bộc lộ rõ tính cách và những góc khuất của mình. Ngạn ngữ phương Ðông có câu: “Nước loạn mới biết tôi trung, nhà nghèo mới hay con thảo” cũng có ý nghĩa tương tự vậy. Qua trận dịch Coronavirus (Covid-19) mà chúng ta thấy được những chuyện bi hài lẫn những chuyện vị tha cao cả của những người chung quanh ta.

Anh John H làm chung với Steven đã lâu, tuy nhiên anh ấy mang nhiều đặc tính xấu của dân gốc mít, làm cho tay supervisor không thích, nhân lúc dịch vừa xảy ra. Hắn ta kiếm cớ cho anh John H nghỉ việc nhưng được ăn thất nghiệp. Hãng Steven làm là công ty con của một Bigtech cho nên dịch cũng không ảnh hưởng gì, thậm chí còn làm ăn phát đạt hơn. Sau đó hãng kêu anh John H và nhiều người khác quay lại làm việc, tuyển thêm nhiều người mới nữa. Steven nhắn tin cho anh John H biết, thì anh ấy bảo:

“Lương công nhân căn bản, sau khi trừ thuế không đầy 5 trăm, trong khi ăn thất nghiệp một tuần sáu trăm đồng, ngu sao đi làm sớm!”


Bảo Huân

Thế là anh John H và nhiều người khác nhất định không quay lại làm, ăn thất nghiệp hết 6 tháng, tình hình dịch bệnh càng nặng nề, chính phủ gia hạn ăn thất nghiệp thêm 6 tháng nữa, sau đó còn gia hạn thêm 2 lần 3 tháng. Tính ra anh John H và những người ăn thất nghiệp đến 18 tháng.  Ăn thất nghiệp như thế này thì quá đáng, trong khi công việc cần thì chẳng chịu đi làm. Nhiều hãng xưởng, tiệm nails thiếu nhân công vì người ta quyết ăn thất nghiệp cho đến hết hạn mới chịu quay lại làm việc.

Cũng trong thời gian dịch bệnh, chính phủ phát trợ cấp (stimulus) cho dân. Steven chứng kiến một việc làm rất cao cả và đầy tính vị tha của cụ Diệu T ở chùa HA. Chùa HA nằm giáp ranh giữa ba thị trấn: Morrow, Lake City và Forest Park, vốn là ngôi nhà nhỏ, cũ sửa sang lại làm chùa để thờ Phật và cũng là nơi dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt. Cụ Diệu T (pháp danh chứ không phải tên thật) là Phật tử thuần thành của chùa, thường xuyên đến chùa làm công quả. Khi cụ nhận cái ngân khoản 1,200 dollars của chính phủ, cụ hiến cả cái ngân khoản ấy cho chùa. Nhiều người rất  cảm động việc làm của cụ. Cụ nói:

“Tui già rồi, ăn tiêu không bao nhiêu, tiền già của chính phủ cấp cũng đủ chi tiêu. Tui cúng cho chùa tiền Stimulus check này để chùa sửa sang lại nơi thờ tự, có chỗ cho đồng hương về sinh hoạt”. Thật cảm động biết bao, một cụ già lớn tuổi, tiền già cũng chẳng bao nhiêu, ấy vậy mà sẵn sàng cho đi phần trợ giúp của chính phủ. Cái tâm của cụ thật quảng đại, vị tha; thật đáng để trân trọng. Với Phật pháp là cúng dường.

Cũng tại chùa HA này, lễ Phật Ðản năm 2020 được tổ chức thu gọn vì dịch bệnh, chùa tuân thủ biện pháp giãn cách và các hướng dẫn khác của CDC và chính quyền địa phương. Steven có xin phép ni sư trụ trì bán một số sách  tại buổi lễ để ủng hộ chùa. Số người mua không nhiều trong ấy có cụ Hải B, một Phật tử gần gũi của chùa. Cụ Hải B (pháp danh, không phải tên thật) lúc ấy đã 82 tuổi. Steven ngần ngại không muốn nhận tiền của cụ. Cụ bảo:

“Mua sách vừa ủng hộ cháu và cũng là ủng hộ chùa, cháu cứ nhận!”

Quả thật cầm 60 đồng của cụ mà Steven rất áy náy, dù là cũng để ủng hộ chùa chứ chẳng phải cho cá nhân mình.

Thế giới này muôn màu muôn vẻ, Tâm con người cũng bao nhiêu sắc thái khác nhau: Xấu có, tốt có, lưng chừng có… Dòng đời lúc thăng lúc trầm, nhân luân lúc thịnh lúc suy; dù có thế nào đi nữa thì lòng vị tha, sự cống hiến cho đồng loại vẫn còn đấy, có thế xã hội mới tồn tại.

Chúng ta ở hải ngoại, dù dịch bệnh có gây khó khăn nhưng được chính phủ trợ cấp mạnh mẽ về tiền bạc, thuốc men, phương tiện vật chất để phòng chống dịch… nên cuộc sống cũng không hề hấn gì. Nhìn về cố quận của chúng ta mới thấy được sự khốn cùng khổ sở của dân chúng. Người dân vốn đã khổ sở rồi, khi dịch bệnh xảy ra còn điêu đứng hơn: Thất nghiệp, bị phong tỏa ngặt nghèo mà không có trợ giúp hoặc có cũng chỉ là qua quít, hàng triệu người kẹt ở các thành đô, thiếu thốn vật chất, tiền bạc, lương thực, thuốc men… Nhưng cũng rất may, đời còn nhiều người tốt, nhiều tấm lòng thơm thảo và từ tâm. Họ tổ chức tặng gạo, rau củ quả, thuốc xông, khẩu trang… cho người nghèo. Họ tổ chức những cây ATM gạo, tủ bánh mì không đồng, quán cơm không đồng… rải rác đây đó các phố phường đều có những người tốt như thế. Có những chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê nhà, thậm chí có người còn phát gạo, tặng tiền cho những người ở trọ bị phong tỏa vì dịch. Có những người đứng ra phát nước uống, thức ăn, xăng nhớt cho dòng người chạy dịch về quê… Trong lúc dịch bệnh ngặt nghèo, có được chút quà biếu, chút giúp đỡ của những người từ tâm này thật là quý biết bao!

Qua trận dịch này, chúng ta mới thấy được cái tốt ẩn tàng trong mỗi con người chúng ta, ngày thường có thể cạnh tranh nhau, hơn thua nhau, giành giật nhau…. Nhưng khi có chuyện thì lòng tốt tự nhiên phát khởi. Lòng nhân, tinh thần vị tha của con người như những đốm lửa vẫn âm ỉ trong tâm. Khi hữu sự thì nó tỏa sáng, bừng cháy lên.

Cơn dịch dầu chưa hết hẳn nhưng rồi cũng sẽ qua đi, lòng trắc ẩn của con người mãi mãi còn đó, đôi khi cái xấu, cái ác có lấn lướt đi nữa cũng không thể nào làm mai một được cái tâm từ của con người.

Steven N
Ất Lăng thành, 05/22

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.